Từ thời học sinh cho đến thời sinh viên, ai ai cũng đã từng ngán ngẩm với những bài thi trắc nghiệm tiếng Anh. Với nhiều người đây thực sự là hình thức thi “chống liệt” hiệu quả khi có thể dùng chiêu thức “khoanh lụi”. Bạn đã bao giờ suy nghĩ tại sao môn tiếng Anh thường chọn hình thức thi trắc nghiệm hơn tự luận? Cùng đọc bài viết để tìm hiểu nguyên do cùng cách vượt qua nó nhé!
Tại sao lại thi trắc nghiệm tiếng Anh?
Theo các ý kiến của những người nghiên cứu về giáo dục, việc cho học sinh thi tiếng Anh theo hình thức trắc nghiệm không ảnh hưởng đến việc dạy và học. Bởi lẽ, nếu hình thức tự luận, thí sinh phải tìm đáp án và trình bày, thì hình thức trắc nghiệm sẽ yêu cầu thí sinh tìm đáp án và chọn đáp án. Điều này yêu cầu chúng phải thực hiện thao tác nhanh và chính xác.
Thực chất đôi khi việc tìm đáp án không khó bằng việc chọn đáp án đúng. Bởi chúng ta thấy trên thực tế rằng, giữa 4 đáp án A, B, C, D luôn có những nét tương đồng đánh lừa thí sinh. Nếu không có tư duy tốt, khả năng nhìn nhận tốt thì rất dễ bị nhầm lẫn đáp án. Phương thức trắc nghiệm còn giúp thí sinh rèn luyện được tính cẩn thận và tỉ mỉ khi làm bài. Bởi chỉ một vòng khoanh tròn sai sẽ dẫn đến kết quả sai.
Riêng đối với môn tiếng Anh, bộ môn này đòi hỏi người học phải nắm vững kiến thức của 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Chỉ xét ví dụ riêng với môn nghe, để nghe và hiểu đoạn hội thoại, trả lời đúng được câu hỏi thì chỉ có khoanh đáp án mới giúp bộ não hoạt động kịp thời. Bởi một bài nghe sẽ diễn ra liên tục cho đến khi hết câu hỏi. Nếu làm tự luận, làm sao thí sinh có thể vừa nghe và vừa ghi chép đáp án?
Mô típ một bài kiểm tra trắc nghiệm tiếng Anh
Nhìn chung, các bài kiểm tra tiếng Anh theo chương trình học tại Việt Nam giữa các cấp học khá giống nhau. Nó sẽ bao gồm các bài kiểm tra nhằm đánh giá năng lực thí sinh theo các kỹ năng cộng với kiến thức về mặt phát âm và ngữ pháp.
Một bài kiểm tra trắc nghiệm thông thường sẽ theo một mô típ như sau:
- Phần Pronunciation: Nhằm kiểm tra phát âm, nhấn âm, cách đọc âm đuôi es hoặc ed của động từ. Thông thường sẽ chọn đáp án có cách đọc khác với các chữ còn lại;
- Phần Grammar: Bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến những kiến thức ngữ pháp trong chương trình học. Với mức độ dễ, trung bình, khá khó và khó để phân loại năng lực học sinh;
- Phần Reading (Kỹ năng đọc): Với sự xuất hiện của các đoạn văn ngắn và yêu cầu thí sinh làm theo yêu cầu. Sẽ có các dạng bài như: đọc đoạn văn rồi trả lời câu hỏi, chọn đáp án đúng sai, điền từ còn thiếu trong đoạn văn…;
- Phần Listening ( Kỹ năng nghe): Thí sinh sẽ nghe đoạn hội thoại rồi trả lời các câu hỏi;
- Phần Writing (Kỹ năng viết): Bằng kiến thức ngữ pháp của mình, thí sinh sẽ chọn các đáp án đúng. Hầu hết dạng câu hỏi của phần này là viết lại câu để nghĩa của câu không đổi.
Các mẹo để hoàn thành tốt bài trắc nghiệm tiếng Anh
Việc thi trắc nghiệm khiến nhiều thí sinh cảm thấy giảm bớt được áp lực bởi còn có thể áp dụng chiêu thức “khoanh lụi”. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng một phần bởi cơ cấu tráo mã đề, tráo đáp án của hệ thống soạn đề thi trắc nghiệm hiện nay khiến điều này gần như là vô nghĩa. Kết quả nhận được sẽ rất tệ nếu như chỉ dựa trên may mắn.
Bạn lo ngại với môn tiếng Anh? Bạn cảm thấy mình không đủ năng khiếu để học ngoại ngữ nhưng kết quả học tập thực sự rất quan trọng đối với bạn? Biết đâu các mẹo này có thể giúp ích cho kỳ thi trắc nghiệm sắp tới.
Bỏ qua những câu hỏi trắc nghiệm tiếng Anh khó
Thông thường, những câu hỏi khó sẽ được lồng ghép tại nhiều vị trí khác nhau trong bài thi trắc nghiệm. Điều đó không có nghĩa rằng những câu đầu sẽ dễ và các câu cuối thường khó. Nhiều người đã phải hối hận vì chỉ chăm chăm làm những câu đầu vì nghĩ rằng càng về cuối càng khó.
Vậy kinh nghiệm đi thi là hãy bỏ qua ngay những câu hỏi khiến bạn mất từ 2 – 4 phút suy nghĩ. Bởi thông thường một bài thi trắc nghiệm tiếng Anh chỉ cho phép bạn trả lời 1 câu trong vòng từ 1 – 2 phút bao gồm cả đọc câu hỏi và đáp án.
Phương pháp loại trừ
Đây có lẽ là cách thức phổ biến và quen thuộc nhất đối với các bài thi trắc nghiệm. Với môn tiếng Anh cũng không ngoại lệ. Hãy đọc thật kỹ các đáp án, loại ra đáp án mà bạn thấy không quen nhất, khó hiểu nhất và vô lý nhất.
Loại bỏ dần dần cho đến đáp án mà bạn cảm giác quen thuộc và hợp lý. Tuy nhiên, hãy ghi nhớ rằng việc làm này chỉ áp dụng trong trường hợp bạn không nhớ bất cứ một chút kiến thức nào liên quan đến câu hỏi ấy nhé!
Tập dượt trước với nhiều đề trắc nghiệm tiếng Anh
Người ta thường có câu rằng “trăm hay không bằng tay quen”. Như vậy, sẽ có rất nhiều trường hợp những câu hỏi trắc nghiệm có ý giống nhau hoặc cấu trúc giống nhau. Nếu như luyện nhiều đề, làm quen với các dạng câu hỏi nhiều bạn sẽ có một phản xạ tự nhiên với đề. Điều này giúp bạn không bỡ ngỡ khi gặp một đề trắc nghiệm quá dài.
Trước khi bước vào kỳ thi, hãy lên mạng tìm kiếm những bộ đề trắc nghiệm tiếng Anh và luyện tập giải đề trước. Căn chỉnh thời gian giống với một buổi thi thật để làm quen với áp lực thi cử nhé!
Trắc nghiệm tiếng Anh có lẽ sẽ không làm khó các cô cậu học sinh nếu như chúng ta nắm vững kiến thức cũng như các bí kíp riêng. Hãy nỗ lực học tập và bồi dưỡng kiến thức Anh ngữ để các bài kiểm tra tiếng Anh cũng như giao tiếp bằng tiếng Anh không còn là nỗi ám ảnh bạn nhé!